Máy tính xách tay - khó nhưng vẫn phát triển |
Từ năm 2011, số lượng và cả giá trị doanh số của máy tính xách tay đã vượt qua máy tính để bàn. Nếu năm 2010, lượng máy tính xách tay bán trên thị trường là 770.000 máy, còn lượng máy tính để bàn vào thời điểm đó ước chừng 1 triệu máy (tính cả máy bộ nhập và nguồn linh kiện tương ứng). Nhưng sang năm 2011, lượng máy tính xách tay đã nhảy vọt: 1,1 triệu máy, trong khi đó lượng máy tính để bàn đã giảm, còn 950.000 máy. Theo các chuyên gia phân tích thị trường của IDC, trong năm 2012, thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 1,25 triệu máy tính xách tay, còn lượng máy tính để bàn xấp xỉ 900.000 máy.
Theo ông Đoàn Hồng Việt, giám đốc công ty DigiWorld (nhà nhập khẩu máy tính), bình quân giá máy tính xách tay bán trên thị trường năm 2012 ước chừng 12 triệu đồng, giảm khoảng 500.000đ/ máy so với giá bình quân năm 2011. “Trong tình hình kinh tế chung, mức tăng trưởng của nhóm hàng máy tính xách tay vẫn còn là mảnh đất để các doanh nghiệp, từ nhà phân phối cho đến nhà bán lẻ sống được. Lợi nhuận của nhóm hàng này trong năm nay sẽ thấp vì người tiêu dùng đang chuyển sang các dòng máy giá thấp”, ông Việt phân tích.
Một chuyên gia của Intel Việt Nam cũng xác nhận rằng, tình hình kinh tế của Việt Nam có khó khăn, nhưng với lý do giá sản phẩm máy tính xách tay giảm, còn mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tăng lên nên cơ hội sắm máy tính xách tay không còn là “chuyện quá khó”. “Với mức thu nhập bình quân hiện nay, một người lao động bình thường, trong vòng 28 tuần là có thể mua được một chiếc máy tính xách tay giá thấp. Cách đây 10 năm, phải mất 107 tuần mới mua được một chiếc máy tính xách tay”, vi chuyên gia này nhận xét.
Trong năm 2012, Intel kỳ vọng 40% sản phẩm máy tính bán ra trong năm 2012 trên toàn cầu sẽ là dòng Ultrabook nhưng theo các nhà bán lẻ tại thị trường Việt Nam, với mức giá mà các nhà sản xuất đưa ra hiện nay, rẻ nhất là 19 triệu đồng, chiếm thị phần lớn của thị trường máy tính xách tay Việt Nam vẫn là những dòng máy giá rẻ, dưới 10 triệu đồng với nhóm đối tượng là sinh viên và viên chức có thu nhập thấp. Một nhà bán lẻ, đề nghị không nêu tên cho biết: “Bán những chiếc máy tính giá thấp sẽ có lợi nhuận thấp. Có những mẫu chỉ lãi 100.000đ/ máy nhưng vì quan hệ với nhà nhập khẩu cũng như nhu cầu của khách hàng mà phải chấp nhận bán những dòng sản phẩm này. Tôi cho rằng, Ultrabook tại thị trường Việt Nam trong năm 2012 chỉ chiếm vài phần trăm”.
Doanh thu điện thoại di động thông minh sẽ tăng mạnh
Theo số liệu của bộ Công Thương, trong năm 2011, thị trường Việt Nam nhập khẩu gần 20 triệu máy điện thoại di động các loại. Nhưng theo một nguồn tin riêng, lượng máy tiêu thụ trong năm qua tại thị trường nội địa ước chừng 15 – 16 triệu chiếc, phần còn lại được các doanh nghiệp “tái xuất” sang các thị trường khác như Campuchia, Lào… và hàng tồn tại các nhà nhập khấu! Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường, trong năm 2012, thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 18 triệu chiếc, tăng 20% so với năm 2011.
Ông Đinh Anh Huân, giám đốc kinh doanh của Thế Giới Di Động cho rằng, trong năm 2012, thị phần của điện thoại giá rẻ (dưới 2 triệu đồng) chỉ còn khoảng 50%, giảm 10% so với năm 2011. Giám đốc sản phẩm của một hãng điện thoại di động đặt tại Việt Nam cũng dự báo, năm 2012, điện thoại thông minh sẽ tăng về số lượng lẫn doanh thu. Chuyên gia này dự đoán trong năm 2012, doanh thu của nhóm điện thoại thông minh có thể tiệm cận 50% tổng doanh thu của nhóm hàng này (năm 2011 là 38%), còn xét về số lượng, có thể đạt 15 – 18% của nhóm hàng này. Trong năm nay, các hãng sản xuất điện thoại di động đều cho rằng, sẽ có cuộc cạnh tranh sản phẩm thuộc nhóm điện thoại thông minh: cấu hình mạnh hơn, màn hình lớn hơn nhưng giá không quá cao như những sản phẩm “đỉnh” xuất hiện trong năm 2011. “Rút kinh nghiệm của năm trước, những sản phẩm cao cấp khi mới xuất hiện sẽ có giá mềm hơn, không còn cao ngất như những năm trước đây”, vị giám đốc sản phẩm nói thêm.
Khác với những tháng sau tết Nguyên Đán vài năm trở lại đây, những tháng đầu năm 2012 có sức mua khá yếu. Dù đã lên kế hoạch nhập khẩu nhưng các nhà nhập khẩu và bán lẻ khá thận trọng trong việc lựa chọn những mẫu mã để bán hàng, thay vào đó họ đang xoay sở tìm cách để thu hút khách hàng bằng những chương trình tiếp thị. Nhiều nhà bán lẻ đang chịu lỗ tiền thuê mặt bằng và nhân công để đẩy hết hàng trước khi nhập hàng mới. Một nhà bán lẻ cho biết, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận của chiếc điện thoại chỉ còn từ 2-3%. “Trong tình thế này, nhà bán lẻ buộc phải giảm sâu, ít nhất là 5 – 10% may ra mới bán được hàng. Chấp nhận lỗ để còn hy vọng thu hồi vốn, tính cho những lô hàng sau”.
Năm 2012 với mặt hàng điện thoại di động không phải là năm “dễ ăn”. Dự báo, trong năm nay, sẽ có nhiều nhà sản xuất nội địa tuyên bố phá sản vì họ đang chịu… lỗ gộp từ những năm trước!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét